Làm thế nào để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm đan móc?

by thuan0701
xây dựng thương hiệu đan móc

Tự xây dựng thương hiệu cho sản phẩm đan móc là điều mà nhiều người làm nghề đang trăn trở. Mình đã quan sát, học hỏi, đồng thời tra cứu thông tin trên internet để tìm ra giải pháp. Nay mình muốn chia sẻ những kiến thức mình thu nhận được với mọi người, hy vọng giúp ích cho ai đó muốn phát triển công việc này.

Đan móc là sản phẩm thủ công nên yếu tố vô hình (phi vật chất) chính là điểm đặc biệt mà sản phẩm làm từ máy móc không có được. Đó là gì?

  • Đó là hơi ấm của đôi bàn tay người tạo ra sản phẩm
  • Là tình cảm, sự sáng tạo mà người làm đưa vào mỗi sản phẩm
  • Yếu tố độc đáo, duy nhất không có sự giống nhau tuyệt đối trong các sản phẩm

Chính vì những yếu tố rất riêng biệt đó mà lựa chọn Xây dựng thương hiệu cá nhân là việc đầu tiên bạn cần làm để tạo ra nét riêng cho chính mình, sản phẩm của mình. Để sản phẩm bán ra không phải chỉ đơn thuần tính bằng giá của len, của ngày công mà phải bao gồm cá giá trị của thương hiệu cá nhân bạn. 

Đồng thời bạn nên tận dụng tối đa công nghệ để vừa đưa sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng, vừa quảng bá được thương hiệu cá nhân.

xây dựng thương hiệu cho sản phẩm đan móc

Xây dựng thương hiệu cá nhân trong ngành đan móc như thế nào?

Bước 1: Chọn một ngách nhỏ

Bạn hãy tự hỏi bản thân mình thích làm gì, khi làm sản phẩm nào mà bạn cảm thấy hào hứng? Bạn thấy hạnh phúc và có cảm hứng khi móc ra những chiếc túi đẹp và thời trang hay bạn thích ngắm nghía những sản phẩm thú bông tự móc của mình?

Có rất nhiều “ngách nhỏ” trong vô vàn các sản phẩm đan móc mà bạn có thể lựa chọn để phù hợp với bản thân. Điều này rất quan trọng vì giá trị vô hình của sản phẩm handmade chính là niềm hạnh phúc, yêu thích của tác giả gửi gắm vào sản phẩm họ tạo ra.

Việc bắt đầu bằng chọn ngách nhỏ sẽ giúp bạn dễ dàng tạo ra điểm nhấn hơn. Sau này khi đã làm quen và bản thân muốn phát triển thêm, bạn có thể mở rộng sang các ngách, sản phẩm đa dạng khác cũng chưa muộn.

Bước 2: Nghiên cứu thị trường

Bạn tìm trên internet, trong hội nhóm xem đã có ai làm sản phẩm mà bạn định làm chưa? Nếu có thì bạn cần nghĩ ra điểm nhấn độc đáo, khác biệt so với những người đã làm trước đó. Không nhất thiết mọi thứ bạn làm phải là quá bứt phá ngay từ đầu, chỉ một chút thay đổi nho nhỏ cũng góp phần tạo nên nét riêng của bạn.

Bước 3: Chia sẻ, lan tỏa thông tin

Bạn có thể chia sẻ về sản phẩm, quá trình bạn làm trên các kênh cá nhân như Facebook, Youtube, Instagram hay Tiktok.

Để phát triển chuyên nghiệp hơn và được mọi người tìm thấy qua công cụ tìm kiếm, bạn nên có một website, blog cá nhân riêng. Sau đó học cách viết bài, đăng hình sản phẩm sao cho chuẩn SEO để có thể lên top tìm kiếm của google.

Tất cả những việc trên sẽ giúp mọi người định vị được bạn đang làm gì, bạn đang bán gì. Khi mọi người đã có trong đầu hình ảnh về những việc bạn đang làm, họ dễ dàng nhớ tới bạn khi có những nhu cầu phát sinh về đúng sản phẩm đó.

xây dựng thương hiệu cho ngành thủ công

Bước 4: Tạo quy trình làm việc chuyên nghiệp

Bạn nên chuẩn hóa từ khâu nhận đặt hàng đến khâu bán hàng, vận chuyển đến việc trả lời khách hàng. Bạn hãy tự soạn sẵn quy trình để làm các việc đó sao cho trôi chảy, thuận tiện nhất có thể.

Tự hình dung ra càng chi tiết từng việc mình cần làm, bạn càng ít vướng phải những sơ suất trong quá trình làm việc. Khách hàng sẽ cảm thấy hài lòng về sự chuyên nghiệp của bạn. Qua đó giá trị sản phẩm của bạn cũng được nâng lên.

Bước 5: Nâng cao giá trị sản phẩm

Ngoài việc sử dụng các chất liệu len tốt, phù hợp với đối tượng khách hàng bạn hướng tới, bạn còn cần nghiên cứu lựa chọn bao bì đẹp. VD: thay vì chỉ để vào túi nilong, bạn có thể đặt sản phẩm vào hộp bìa cứng với những miếng lót giấy xinh xắn, chút mùi hương thoang thoảng.

Ngay cả việc chụp ảnh sản phẩm bạn cũng cần phải chú trọng. Những hình ảnh sản phẩm gửi khách cần được chụp trong bối cảnh gọn gàng, ngăn nắp. Bức ảnh sáng sủa, rõ nét, tôn được vẻ đẹp của sản phẩm.

Bên cạnh sản phẩm chính, bạn có thể làm những tờ giấy hướng dẫn sử dụng, chăm sóc món đồ sao cho tốt nhất. Bạn có thể thêm cả tấm thiệp nhỏ ghi đôi lời cảm ơn gửi đến khách. Những chi tiết tuy nhỏ này lại khiến khách hàng cảm nhận được sự chu đáo của bạn.

Sau khi chăm chút, hoàn thiện cho sản phẩm, bạn hãy gửi gắm những yếu tố tinh thần vào đó bằng những câu chuyện hấp dẫn, để người nhận cảm thấy trân trọng món đồ khi được sở hữu nó.

nghề đan móc

Bước 6: Chăm sóc khách hàng

Luôn lắng nghe và giải đáp ý kiến của khách hàng với tinh thần cầu thị. Mỗi chúng ta ai cũng có những điều chưa biết, chưa hoàn hảo, mở rộng lòng tiếp thu ý kiến, phản hồi của khách cũng là lúc chúng ta học thêm được điều mới. Khách cảm nhận được sự chân thành cũng sẽ rộng lượng hơn cho những sai sót của bạn.

Chính những góp ý của khách hàng sẽ góp phần hoàn thiện hơn cho thương hiệu của bạn.

Lưu thông tin khách hàng một cách có hệ thống. VD: Tên khách hàng, ngày mua, sản phẩm, … Nếu có được thông tin ngày sinh, ngày đặc biệt của khách bạn có thể gửi thiệp chúc mừng hay voucher giảm giá. Đây cũng là cách khiến khách hàng nhớ tới bạn, muốn trở thành khách hàng trung thành của bạn.

Tận dụng tối đa sự phát triển của công nghệ

Bạn không muốn phải thuê cửa hàng ngay khi mới khởi nghiệp. Bạn muốn bỏ qua nỗi lo phải chi trả một khoản tiền lớn để thuê mặt bằng, trang trí cửa hàng. Vậy bạn hãy tận dụng sự phát triển như vũ bão của công nghệ. 

Thử nghĩ xem, có phải bạn thường vào Google mỗi khi cần tìm kiếm sản phẩm mình muốn mua? Đó cũng chính là cách mà khách hàng tìm tới sản phẩm của bạn. 

Nếu bán hàng trên các sàn thương mại điện tử hiện có như: shopee, tiki, lazada, … có thể bạn sẽ gặp phải tình trạng cạnh tranh khốc liệt về giá. Bạn cũng bị hạn chế về cách trình bày gian hàng, không hoàn toàn chủ động giao dịch với khách.

Vậy làm thế nào để khi gõ trên công cụ tìm kiếm của google kết quả hiển thị ra ngay sản phẩm của bạn? Rồi tạo gian hàng online riêng cho mình với số vốn ít ỏi? Câu trả lời là bạn có thể tự làm được, tự học được từng bước một. Bản thân mình cũng đã tự thiết kế website và từng bước học viết bài để ra đơn hàng trên chính website mà không tốn chi phí quảng cáo.

Bạn có thể tham khảo thêm bài viết: Kinh nghiệm tự thiết kế website đẹp với 6 bước cơ bản của mình.

tự làm website cho thương hiệu của mình

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Bản thân mình cũng đang trong quá trình học hỏi rất nhiều thứ. Và để học tốt, nhớ lâu mình đã áp dụng cách thức là chia sẻ ngay những gì mình biết. Nếu yêu thích bài viết của mình, hãy thả tim hoặc chia sẻ chúng cho mọi người bạn nhé!

You may also like

Để lại bình luận